Mỗi doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều có những lợi thế cạnh tranh riêng. Do vậy, xuất phát từ những lợi thế so sánh mà doanh nghiệp kinh doanh BĐS có những chiến lược khác nhau. Tuy nhiên, các chiến lược này thường được xây dựng và mô phỏng theo các chiến lược chuẩn. Hiện nay có các loại chiến lược chuẩn sau:


1. Chiến lược tăng trưởng tập trung


Chiến lược tăng trưởng tập trung là các chiến lược chủ đạo đặt trọng tâm vào việc cải thiện các sản phẩm, dịch vụ hoặc thị trường BĐS hiện có mà không thay đổi bất kỳ yếu tố nào khác. Lợi thế của chiến lược tăng trưởng tập trung là khai thác hiệu quả tối đa những lợi thế canh tranh của doanh nghiệp. Chiến lược tăng trưởng tập trung có thể triển khai theo 3 hướng chiến lược sau:
- Chiến lược thâm nhập thị trường: là tìm cách tăng trưởng các sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường bất động sản. Để chiến lược hoạt động hiệu quả thì doanh nghiệp cần đẩy mạnh về marketing như: chính sách giá, chính sách phân phối, chính sách khuyến mãi …
- Chiến lược phát triển thị trường: là tìm cách tăng trưởng bằng con đường thâm nhập vào các thị trường BĐS tiềm năng mới để phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hướng chiến lược này đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống kênh phân phối năng động và hiệu quả, đặc biệt là phải có năng lực cũng như tiềm lực mạnh.
- Chiến lược phát triển sản phẩm: là tìm cách tăng trưởng thông qua phát triển các sản phẩm hay các dịch vụ BĐS mới để đáp ứng được nhu cầu trong các thị trường mà doanh nghiệp đang hoạt động: thêm dịch vụ định giá BĐS, tư vấn BĐS...

2. Chiến lược phát triển hội nhập


Chiến lược phát triển hội nhập là phát triển doanh nghiệp KD BĐS trên cơ sở thiết lập và mở rộng mối quan hệ liên kết với các nhà cung cấp, các nhà trung gian phân phối và tiêu thụ sản phẩm BĐS, hoặc đối thủ cạnh tranh. Sự liên doanh và hội nhập này sẽ tạo ra một cấp độ quy mô mới, cho phép doanh nghiệp KD BĐS chủ động kinh doanh từ khâu đầu đến khâu tiêu thụ hoặc tạo vị thế trên thị trường. Chiến lược hội nhập cũng có thể triển khai theo 3 hướng:
- Hội nhập dọc ngược chiều: là doanh nghiệp KD BĐS tìm sự tăng trưởng bằng cách nắm quyền sở hữu hoặc tăng cường kiểm soát đối với các nguồn cung ứng đầu vào: cung ứng vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc xây dựng, vận chuyển ...
- Hội nhập dọc thuận chiều: là doanh nghiệp KD BĐS tìm sự tăng trưởng bằng cách nắm quyền sở hữu hoặc tăng sự kiểm soát đối với kênh phân phối trên thị trường: kênh phân phối BĐS trên sàn giao dịch.
- Hội nhập ngang: là chiến lược hướng đến sự liên kết ngang hoặc tăng sự kiểm soát đối với các đối thủ cạnh tranh, chiến lược này tạo cho doanh nghiệp KD BĐS gia tăng vị thế cạnh tranh hoặc tính độc quyền, từ đó có thể nâng cao thị phần và kiểm soát thị trường BĐS theo tiêu chí đôi bên cùng có lợi.

3. Chiến lược phát triển đa dạng hóa


Chiến lược phát triển đa dạng hóa là chiến lược tăng trưởng dựa trên sự thay đổi về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ ... Các doanh nghiệp KD BĐS có thể tham gia nhiều phân khúc BĐS khác nhau, cao cấp cho đến bình dân. Hay có thể chỉ chuyên bán các sản phẩm BĐS, tham gia lĩnh vực cho thuê: văn phòng, chung cư cao cấp, biệt thự … Các doanh nghiệp sử dụng chiến lược này có thể đa dạng hóa theo các hướng:
- Đa dạng hóa đồng tâm: là việc đầu tư và phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới hướng đến những khách hàng thị trường mới hay những phân khúc thị trường mới.
- Đa dạng hóa ngang: là việc đầu tư và phát triển những sản phẩm BĐS mới hoàn toàn khác với những sản phẩm hiện có của doanh nghiệp, nhưng vẫn cùng lĩnh vực kinh doanh và hệ thống phân phối Marketing hiện có: tham gia vào đầu tư biệt thự nhà liền kề mà trươcs đây chỉ tham gia vào căn hộ chung cư.
- Đa dạng hóa hỗn hợp: là việc đầu tư phát triển những sản phẩm hoàn toàn mới cả về công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu … lĩnh vực kinh doanh BĐS cũng như thị trường mục tiêu.